Vậy là mặc cho những bão giông, dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế, cùng vô vàn những trở ngại của đời sống, Khát Vọng Sống vẫn kiên trì với các chuyến đi định kỳ hàng tuần, về vùng sâu, vùng xa, trong suốt 15 năm 6 tháng qua. Đi để hiểu, rồi thương đời nghèo của bà con không may gặp cảnh khốn khó. Đi với tâm thức sẻ chia và tâm trạng đau đáu với đời nghèo.
Có lẽ, khi bắt gặp ánh mắt thất thần của người phụ nữ trẻ Thị Thi trước đại nạn, thì ta mới thấu hiểu và thấu cảm vì sao em ấy chỉ mong được bình yên. Cụm từ “bình yên’ nghe dung dị, đơn giản, nhưng quả là xa xỉ với cô gái ấy vô cùng. Bởi chồng em trong hành trình mưu sinh, chung sức gầy dựng gia đình, nuôi 2 con nhỏ, đã liên tục gặp tai ương, hết rắn độc cắn suýt mất mạng, đến mổ cấp cứu sỏi thận, rồi giờ đây là một tai nạn đau thương, bị cụt cả 2 tay, mất 1 chân, mù 1 mắt và con mắt còn lại lờ mờ…
Vốn đã nghèo, sống ở vùng xa Bù Đăng – Bình Phước, bệnh tật tai ương liên tiếp như thế thì tiền đâu mà chạy chữa?, vay mượn tứ bề cũng chỉ để cứu mạng lúc thập tử nhất sinh, rồi những ngày tháng dài tiếp theo, gia đình này sẽ sống ra sao? Hai vợ chồng cùng lao động mà còn thiếu trước hụt sau, giờ chỉ còn một mình Thị Thi bươn chải, mà chồng lại phải có người chăm nom, thì quả là “bình yên” sao được?.
Có lẽ, nghe 3 cháu nhỏ 11 tuổi, 9 tuổi, 7 tuổi ở Hoà Định Tây – Phú Yên, ước mơ “Ước cho mẹ của con có thời gian nghỉ ngơi” thì người lớn nào mà không nhói lòng? Mà cả ba đều ước như vậy, đều cảm nhận là Mẹ đã phải làm ngày làm đêm, kể từ ngày ba các cháu mất, nên giờ Mẹ ngã bệnh, phải nằm bệnh viện. 3 đứa nhỏ tự chăm nhau trong căn nhà ở vùng quê.
Hỏi chuyện, hoá ra người phụ nữ phận nghèo đã phải làm đủ việc để nuôi con và trả nợ vay chữa bệnh của chồng, ngày làm phụ hồ, rồi đêm về lại quầy quả lên núi chặt củi… Giờ thì phải nhập viện mổ u nang theo yêu cầu năm lần bảy lượt của bác sĩ điều trị.
Những đứa trẻ quá nhỏ để nói lên ước mơ về cuộc sống của mẹ, mà nếu không chứng kiến, ta không thể nào hiểu được, vì sao các con ước mơ như thế?
Đó là 2 câu chuyện trong hàng ngàn câu chuyện đời nghèo, phận bạc, của bà con sống vùng sâu vùng xa, mà 15 năm 6 tháng qua Khát Vọng Sống đã đến lắng nghe, sẻ chia và trợ giúp.
Với những hoàn cảnh như thế, nếu chỉ là ít quà, ít tiền, thì làm sao mà giúp gia đình hồi sinh? làm sao giúp gia đình vượt qua giai đoạn hiểm nghèo? Lúc ấy, không chỉ là tiền, mà còn là các giải pháp hỗn hợp, trợ giúp vật chất lẫn hỗ trợ tinh thần và với sự chung tay của chính quyền & cộng đồng, thì may ra, với thời gian gần cuộc sống sẽ dần tốt lên và hồi sinh.
Khởi điểm từ năm 2008, “Khát Vọng Sống – Chương trình truyền hình nhân đạo” với mục tiêu trợ giúp các gia đình bà con nghèo, sống ở vùng sâu vùng xa, đã hết sức nỗ lực sống tốt mà không may gặp tai ương – bệnh tật, giờ cần sự tiếp sức để con trẻ khỏi mồ côi, gia đình khỏi ly tán… Quan trọng hơn là gia đình được bà con láng giềng thương yêu, chính quyền đề cử.
Với thông điệp “Kết nối cộng đồng, trợ giúp bà con nghèo hồi sinh” Khát Vọng Sống có 4 hình thức trợ giúp hỗn hợp:
Khám & Chữa bệnh. Xây & Sửa nhà. Đưa trẻ đến trường. Hỗ trợ &Tư vấn giải pháp mưu sinh.
Khát Vọng Sống tập họp nhân lực & vật lực khắp nơi, cùng chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức hội đoàn chức năng tại địa phương, đến thăm hỏi, trao trợ giúp và họp bàn với gia đình để hình thành giải pháp trợ giúp mang tính thiết thực, hiệu quả. Giao cho chính quyền cơ sở tổ chức thực hiện, cấp tỉnh thì giám sát đôn đốc, để sớm giúp gia đình ổn định.
Bên cạnh sứ mệnh trợ giúp nhân đạo cho gia đình đặc biệt khó khăn tại địa phương (tỉnh/thành), thì Khát Vọng Sống còn phối hợp để xây dựng phong trào nhân ái, thông qua việc kết nối và hình thành các đội nhóm – CLB thiện nguyện tại chỗ. Đó cũng chính là thế mạnh của chương trình, giúp Khát Vọng Sống lan toả tinh thần sẻ chia trong hành trình 15 năm 6 tháng vừa qua trên các tỉnh thành cả nước.
Đi cùng với cộng đồng Nhà Hảo Tâm trong và ngoài nước là sự đồng hành mạnh mẽ và đầy tâm huyết của Công ty Tôn Tân Phước Khanh – Nhà Trợ Chính của chương trình xuyên suốt 15 năm qua. Một nghĩa cử – một tinh thần xã hội đầy yêu thương và chia sẻ, mà không phải doanh nghiệp nào cũng thẩm thấu được, nhất là trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn.
Đời nghèo, đâu ai muốn? Phận bạc, đâu ai mong?
Thế nên, khi có người thấu hiểu, thấu cảm, thì tâm tư của phận người trong nghèo khó như được giải toả, được động viên, mà nỗ lực hơn vượt qua nghịch cảnh tai ương, thoát ra phận nghèo, hoà nhập đời sống, hồi sinh để mở lối tương lai cho con trẻ.
Đó không chỉ là kết quả mong muốn của “Khát Vọng Sống – Chương trình truyền hình nhân đạo”, mà còn là lối sống tích cực, lối sống nhân ái, để xã hội hướng tới cho đời sống phồn vinh, đất nước phát triển.
“Đau đáu với đời nghèo”, cũng là điều trăn trở đầy trách nhiệm với Con người – Quê hương – Đất nước.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/