Thấu hiểu, để lòng trắc ẩn không lạc lối

Biết mình mắc căn bệnh suy thận mãn, thầy giáo Thanh quyết định nói lời chia tay với người vợ sắp cưới, người đã chia vui sẻ buồn trong những ngày học chung ĐH Sư phạm và cũng là người tạo động lực để Thầy vững vàng với lối sống nhà giáo còn đạm bạc.

Cảm thấy có gì uẩn khúc, nên Tôi hỏi Thầy: “Sau bao năm gắn bó, sắp đi đến hôn nhân, sao em lại quyết định chia tay, huỷ hôn?”. Thanh cúi mặt, như muốn né tránh câu hỏi, khác với những phút trước đây, em thẳng thắn trò chuyện về hoàn cảnh của mình, căn bệnh của mình. Tôi ngập ngừng “em …không thấy…tiếc nối mối tình rất đẹp sao?”. Bất chợt, Thanh ngẩn lên, đôi mắt buồn vời vợi “Có chứ anh, nhưng, em… sợ mình sẽ là gánh nặng cho cô ấy, sẽ làm khổ bạn ấy cả đời này…”, rồi cúi mặt như giấu đi những giọt nước mắt sắp trào, nghẹn ngào “Thà một mình em… chịu đớn đau”.

Hôm đó, các nhà hảo tâm của “Khát Vọng Sống – Chương trình truyền hình nhân đạo” cũng ngân ngấn nước mắt, cảm xúc tuôn trào theo câu chuyện của thầy giáo trẻ biết nghĩ xa nghĩ gần.

Cha mẹ Thanh ở quê làm nông, chắt mót tảo tần để cho Thanh vào Sài Gòn học đại học. Ra trường, Thanh xin đi dạy ở Bình Dương, rồi dìu dắt hai đứa em vào học và đi làm. Đó là niềm tự hào của cha mẹ, của vùng quê có con em thành đạt. Ổn định cho hai em xong, Thanh mới dám nghĩ đến chuyện riêng mình. Ngày đưa người yêu về ra mắt họ hàng, Thanh bị xỉu và phát hiện ra căn bệnh…

Sự việc xảy ra hơn 1 năm thì Khát Vọng Sống qua giới thiệu của địa phương, mới biết chuyện mà đến trợ giúp cho em. Việc chia tay cũng đã xảy ra rồi, Thanh cũng day dứt nhiều đêm rồi. Nên thấy rằng, ngoài việc đến trợ giúp em chữa bệnh, cần “thấu hiểu” để cho em trải lòng, cần truyền đi những câu chuyện hay, suy nghĩ đẹp, biết vì người khác…

Đó là một câu chuyện về những người không may mắc chứng bệnh suy thận mạn, chứng bệnh mà dân gian thường gọi là “Nhà giàu cũng khóc”, bởi họ phải “chạy thận” 1 ngày, để sống 1 ngày. Cứ thế mà lập lại, sức khoẻ dần suy kiệt…

Đó cũng là một trong những nhóm người khốn khó mà Khát Vọng Sống hướng đến, muốn chia sẻ trợ giúp, bởi “thấu hiểu” bà con nghèo vốn đã thiếu dinh dưỡng, giờ thêm bệnh tật thì khó đủ đường, họ vẫy vùng trong sức cùng lực kiệt. Họ cố sống, không chỉ là để mình được sống, mà để cho cha mẹ không khóc con, để cho vợ khỏi mất chồng, cho con cái khỏi mồ côi…

Trong đại dịch Covid-19, nhất là giai đoạn căng thẳng từ tháng 6 đến tháng 9/2021 tại TP.HCM bên sự hoảng loạn vì tác hại của dịch bệnh quá lớn, vẫn hiện diện sự “thấu hiểu” trong nhiều hành động sẻ chia của nhà hảo tâm, của các anh chị doanh nhân lớn nhỏ. Trải dài trong nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, nhiều loại hình. Người thì hỗ trợ trang thiết bị y tế, người thì hỗ trợ vận chuyển, người thì suất quà cứu đói, rau củ quả… Nói chung, bất cứ thứ gì có thể giúp bà con khốn khó sống còn qua đại dịch. Người không đi được thì gởi tấm lòng cho người có điều kiện xông pha, nỗi sợ bị lây nhiễm chết người, bỗng hoá nhẹ tênh, khi nhìn thấy đồng bào đang kiệt sức, đói lã, khốn khó trước dịch bệnh…

Nhờ sự “thấu hiểu” kịp thời ấy, mà người dân nghèo của TP.HCM trong cao điểm của đại dịch đợt 4 (tháng 6- 9/2021) bớt đi khốn khó, bớt đi cảnh tang thương và bà con các tỉnh phía nam sau đó cũng nhờ tính lan toả của sự “thấu hiểu” ấy, mà ít nhiều được sẻ chia, trợ giúp nhiều hơn.

“Thấu hiểu” về đời sống của bà con nghèo, của người khốn khó, sẽ thúc đẩy lòng trắc ẩn bùng lên mạnh mẽ hơn, thấu hiểu sẽ giúp nhìn rõ việc cần làm trong giải pháp trợ giúp hơn, mang tính thiết thực hơn và tất nhiên, khi ấy lòng trắc ẩn không bị lạc lối, bị lợi dụng.

Đi để hiểu, rồi thương.

Khát Vọng Sống trong hành trình năm thứ 14 – năm 2022 đã có thêm một thông điệp sát với tình hình thực tế của bà con nghèo là “Đi để Hiểu, rồi Thương”, song hành với thông điệp trước đây là “Khát vọng lớn nhất của con người là Khát Vọng Sống”. Bởi với mỗi tuần 1 chuyến đi, đến với nhiều vùng miền trên tổ quốc để chia sẻ với những hoàn cảnh khốn khó ở vùng sâu vùng xa, thì quả thật có đi mới hiểu và hiểu rồi mới thương thật nhiều.

Những đứa trẻ lặn lội đường xa, tìm tương lai qua con chữ, kê tập vở trên chiếc giường ọp ẹp trong căn nhà tồi tàn. Những bữa ăn là bát canh rau chan húp, hay món kho quẹt bằng muối quậy keo lên, thì làm sao con biết được liệu ngày mai mình có được tiếp tục đến trường?

Những gia đình trẻ lưu lạc vùng xa xôi để tìm phương kế sống, gặp nhau, đồng cảm vì phận nghèo, tá túc trong căn chòi tạm, nhưng khi có con theo quy luật, thì mọi sự bắt đầu khó khăn. Lúc đó, không may tai ương bệnh tật ập đến, thì cách nào để họ chữa chạy? tiền đâu khi người lao động chính nằm liệt giường?

Khát Vọng Sống với mục tiêu “Kết nối cộng đồng, trợ giúp bà con nghèo hồi sinh” xuyên suốt 14 năm vẫn kiên định với cách làm nhân đạo là Thấu hiểu để sẻ chia với người khốn khó, Thấu hiểu để thúc đẩy và nhân rộng lòng trắc ẩn, tinh thần nhân ái trong cộng đồng.

Bởi nghiệm ra rằng “Giúp cho Người được Sống, là Ta đã Sống”.

Chương trình truyền hình nhân đạo Khát Vọng Sống được hình thành vào tháng 9/2008, do UNIAD JSC (Công ty Cổ Phần Quảng cáo Nhất) phối hợp với các Đài Phát thanh Truyền Hình, các Hội chức năng như Hội Chữ Thập Đỏ, Hội Bảo Trợ Người Khuyết Tật – Trẻ mồ côi – Bệnh nhân nghèo các tỉnh thành. Với sự bảo trợ y tế từ các bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Ngoại Thần Kinh Quốc Tế và Cty OttoBock VN. Bảo trợ thông tin: Báo Phụ Nữ Việt Nam.
Chương trình được công ty Tôn Tân Phước Khanh tài trợ chính.
Mỗi tuần trợ giúp cho 1 hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó, gặp tai ương nhưng có lối sống tích cực, ý thức vươn lên, được nhân dân và chính quyền địa phương đề xuất trợ giúp.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/

Bình luận