Gác lại tất cả để dồn tâm trí và sức lực cho chuyến đi 6 ngày 3 tỉnh của đợt 1 chương trình Thương Miền Trung, nên về đến SG 2 ngày qua là căng mình giải quyết các việc tồn động của Khát Vọng Sống, cho kế hoạch đi 4 tỉnh tiếp theo là Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang trong 10 ngày tới, để ngày 17/11 lại quay ngược ra miền Trung, cứu trợ đợt 2 trong 5 ngày.

Đêm nằm, nghĩ lại, đúng là có sự độ trì, hộ mệnh. Chứ 6 ngày mà đi được như thế là nhiều quá, gần như đến được với tất cả các vùng mà bà con bị bão lũ nặng nề nhất, thương tâm nhất của đợt bão số 5-6-7-8 và các cơn lũ lịch sử của năm 2020.

  • Quảng Bình thì Bố Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Ba Đồn, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Thăm 33 gia đình, trợ giúp được 321,2 triệu.
  • Quảng Trị thì Hướng Hóa, DakRong, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Đông Hà, Triệu Phong, Hải Lăng. Thăm 22 gia đình, trợ giúp được 320,8 triệu.
  • Thừa Thiên Huế thì Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền. Thăm 31 gia đình, trợ giúp được 530,9 triệu.
  • Tổng cộng 3 tỉnh là 86 gia đình với tổng tiền trợ giúp là 1,172 tỷ (Một tỷ, một trăm bảy mươi hai triệu đồng).

Trước nỗi đau mất mát người thân của các gia đình và sự khốn khó khi đã nghèo mà còn gặp thiên tai, các thành viên thấy sự gian khổ của chuyến đi như tan biến, chuyện dầm mưa, lội bùn sình hay nước lũ không làm ai than vãn, mà còn động viên nhau cố gắng.

Đêm đầu tiên 27/10 thì 23:30 mới về đến phòng nghỉ, dù sáng đó các bạn từ Bình Phước phải di chuyển cả đêm để hội quân bay sớm cùng đoàn, thậm chí một thành viên ở Quảng Bình tháp tùng đoàn còn bị OX giận, vì đâu nghĩ là có ai chịu khó đi thăm từng nhà cả ban đêm thế kia?. Cứ thế, chúng tôi động viên nhau, mình ráng một chút, một chút…để có nhiều gia đình được nhờ.

Chiều tối 28/10 thì đoàn đi trong mưa, gió quật mạnh… lội sình lầy ở Lệ Thủy mà ngóng tin tức về bão số 9, thấy bà con nhà cửa tang hoang nên cứ nấn ná ghé thăm. Người nhà thì nóng ruột gọi hỏi thăm, lo lắng.

Có hôm ráng thăm cho hết danh sách rồi mới ăn cơm. Khi ngồi vào bàn ăn đã 15:00 chiều, ai cũng đói run mà không nói ra, chỉ khi xong bữa mới nhỏ to cùng nhau rồi cười. Nhỏ lớn, nam nữ, cũng đều một lòng mà đi tới. Mệt vậy đó, di chuyển nhiều vậy đó, nhưng sáng hôm sau vẫn 6:00 khởi hành, không phải vì sợ phạt chầu cafe cho cả đoàn, mà vì tinh thần đồng đội, vì muốn đi thăm được nhiều gia đình, vì thấy đi tường tận từng gia đình thì sự trợ giúp hiệu quả và đúng nghĩa cử sẻ chia.

Thắp một nén hương cho người đã mất, rồi nắm tay chia sẻ với người thân của họ đôi lời…. Chúng tôi còn thấy mình chết lặng với nỗi niềm của họ.

– Chị Thu Thủy vợ của anh Nguyễn Thái Học ở Phong Điền – TTH, lái xe bị mất tích ở Thủy Điện Rào Trăng 3 “chỉ ước mong tìm được xác chồng và đồng đội”, tiền các NHT trợ giúp chị không màng tới, dù biết rằng “ảnh chết đi thì sắp tới mẹ con em sẽ khó khăn lắm”. Nghe mà xót.

– Còn vợ của anh Phạm Ngọc Quyết ở Đông Hà – Quảng Trị, (mất trong vụ 22 người), lặng lẽ trong bộ tang đen, khuôn mặt như vô hồn vì đau xót, vậy nhưng khi Tiến hỏi về các cháu, thì chị bật khóc “đứa nhỏ thì chưa biết gì đâu anh, nhưng thằng lớn thì em sợ nó trầm cảm mất”. Tiến ra xe rồi, mà lòng nặng trĩu, khóc thầm nỗi đau của cô ấy.

– Hoặc bà mẹ trẻ ở Thanh Thủy – Quảng Bình, chỉ mới có hai con trai, mà chú chở đi tránh lũ thì gió lật thuyền chết cả hai, trời đất như đổ sụp với cô ấy, khuôn mặt thẩn thờ, ngây dại vì thương nhớ con…

Tùy mức độ khó khăn của gia cảnh, người không mất mát và thiệt hại cũng ít hay đã nhận trợ giúp nhiều rồi thì đoàn tặng 2 đến dưới 10 triệu. Gia cảnh “nặng nề” hơn, hay có con nhỏ phải nuôi dưỡng, thì 10 đến 60 triệu. Cứ thế, Khát Vọng Sống đi tới và chia sẻ với bà con mình, nghe thông tin hoàn cảnh nào đó khó khăn là chúng tôi đến.

Cũng trong chuyến đi này, thấy rõ chuyện nhà giàu hay nghèo đâu phải là nhà xây cao hay nhà lụp xụp. Gia cảnh anh Nguyễn Văn Song ở Gia Ninh – Quảng Bình, nhà cũ thấp hơn nền nhà mới 1m, năm nào cũng ngập nặng, vay 600 triệu làm cái nhà cao lên, trước 2 tháng mùa lũ về, vậy mà năm nay, lũ cao bất thường, ngập 1.7m. Anh đi giúp dân tránh lũ, cho vợ con đi hết rồi, mới quay về lui cui dọn đồ đạc nhà mình, đuối sức, ngã chết ngay trong căn nhà mới của mình. Số nợ xây nhà làm sao người vợ làm thuê làm mướn nuôi 2 con nhỏ có thể trả nổi đây?

Hoặc hai bé gái Kim Anh và Thu Trang ở Hải Phong – Quảng Trị, nhà bên mé sông, cha mẹ nghèo, hai chị em xin nghỉ học từ năm 14 tuổi, đi làm xa, dành dụm bao nhiêu năm gởi tiền về cho cha mẹ cất cái nhà cao lên mà tránh lũ. Vậy mà năm nay nước lên vượt đỉnh các năm hơn 1,5m lại đột ngột. Đứa em út sẩy chân chết phía sau nhà mới hoàn thành 2 tháng. Trời ơi, mấy năm trời hai chị hy sinh lo cho sự an toàn của em, vậy mà….út ơi.

Nhiều lắm, những chuyện đau lòng của Bão Lũ Miền Trung.

Chuyến đi nối tiếp chỉ sau 2 tuần của đợt 1 nên nhiều thành viên dù có muốn cũng không thể đi cùng. Vì vậy đợt 2 này chỉ là 11 “chiến binh”.

Gọi là “chiến binh”, bởi họ phải chạy xuyên đêm để kịp ráp đoàn (từ Bình Phước ra Quảng Ngãi), bởi họ lặn lội đi thăm đến nửa khuya và bởi họ phải đối đầu những sự cố trên chặng đường nhiều gian nan và đầy nguy hiểm ấy.

“ĐI ĐỂ HIỂU, RỒI THƯƠNG” – Thông điệp mà anh em động viên nhau để hoàn thành đợt 2 – Thương Miền Trung.

Cũng với hình thức thăm tận nhà, trao quà tận tay, với sự hướng dẫn tận tình, lập danh sách của UBMT các cấp, từ tỉnh xuống huyện, xã. Chỉ điều chỉnh đối tượng là ưu tiên cho Trẻ mồ côi, người già neo đơn và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà sự trợ giúp của cộng đồng chưa đủ để tái thiết cuộc sống sau bão. (Các hoàn cảnh có người thân mất ở Trà Leng hay gia đình nhà sập mà đã có nguồn trợ giúp nhiều thì chuyển cho các hộ khó khăn khác)

Ngày 17/11 đi thăm đến nửa khuya, vì nóng lòng muốn chia sẻ nhiều với các gia đình ở 3 huyện Đức Phổ – Ba Tơ – Mộ Đức của Quảng Ngãi và rồi sự cố kỹ thuật của xe KVS bị hư cảm biến cốt máy, may là không phải lúc trên vùng núi cao, cũng đã làm anh em đến 2:00 sáng mới ngã lưng chợp mắt.

Ngày 18/11 thì đi thăm các gia đình ở TP. Quảng Ngãi, rồi lên huyện Sơn Hà, về huyện Bình Sơn. Kết thúc là bữa cơm muộn lúc 22:00 đêm

Ngày 19/11 lại tiếp tục thăm các gia đình ở TP.Quảng Ngãi, rồi trải dài ra huyện Bình Sơn. Sau đó di chuyển về Tam Kỳ – Quảng Nam.

Ngày 20/11 là một ngày dài vật vã với cung đường lên huyện miền núi Nam Trà My, đi thăm bà con ở 3 xã Trà Tập, Trà Vân, Trà Mai. Nín thở mà qua các điểm sạt lở, nhất là đoạn sạt lở của xã Trà Vân mà trước đó đã làm 8 người chết, nhìn cảnh hoang tàn mà nổi gai ốc, thầm mong mọi việc an lành… Vậy mà, sự cố thì không thể lường được, bởi đường xấu, đá xé nát vỏ xe. Quyết định tách đoàn, một nhóm ở lại thay vỏ và đưa xe ra, nhóm chủ lực đi honda mà thăm cho hết danh sách…

Buổi tối xuống đèo mà căng mắt nhìn đường, 11 anh em căng thẳng nghe tiếng máy xe, nghe tiếng vỏ rin rít trong đêm…. Cũng lại bữa ăn muộn khi về đến Tam kỳ an toàn, mệt mỏi nhưng lòng ấm ấp lắm, đúng là “Đi để hiểu, rồi thương”. Bởi thấy rằng bà con vùng núi đã khổ và sẽ còn khổ nhiều sau này với việc canh tác và khai thác rừng không bảo tồn. Ngày 21/11 thăm bà con ở 3 xã Bình Phục, Bình Nguyên và Bình Định Bắc của huyện Thăng Bình.

Câu chuyện của cháu bé Mai Xuân Phú Lộc 11 tuổi làm người dự khán thổn thức, mẹ bỏ khi cháu mới 1 tuổi, ba cũng buồn mà bỏ đi biền biệt, ông bà Nội nuôi cháu, mà giờ ông thì ung thư, thêm tai biến, còn bà thì đau cột sống….Thằng bé thông minh, nói chuyện mà nước mắt lưng tròng…

Rồi nghe câu chuyện của bà Nguyễn Thị Hoa 77 tuổi, thuở nhỏ, mồ côi cha mẹ, bà đi ở đợ, mới 16 tuổi bị người ta hiếp có 1 lần mà có con, đi ở đợ thì làm sao nuôi?, đành gởi con….Đất nước thống nhất, bà nhớ nó khoảng 9 tuổi, lưu lạc, giờ lưng bà khòm sát đất, ở cô quạnh trong căn nhà trên đồi cát thuộc xã Bình Phục.

Thấy anh em KVS giúp bà mà hỏi han dặn dò tiền bạc với địa phương, bà mới dám kể chuyện đời bà, bà còn nhờ kiếm giúp con trai của bà, nói cho nó hiểu vì sao Bà không thể nuôi con, mong con hiểu…… Nhiều lắm, những câu chuyện mà anh chị có lòng sẻ chia, dành được thời gian thì mới lắng lòng mà nghe được, mà hiểu, mà thương, để rồi tự nhủ sẽ cố gắng quay lại, giúp họ thêm lần nữa để họ hoàn toàn hồi sinh.

Câu chuyện về cô gái 23 tuổi Đinh Thị Chinh ở Sơn Hà, ôm cả gia đình khốn khó với người chồng bị tai nạn mù hai mắt, cụt hai tay, tâm thần không vững, con trai 7 tuổi bị giãn não, mẹ ruột và cha chồng tâm thần, thêm 3 đứa em chồng còn chút xíu…

Câu chuyện về cô gái Thanh Phương 36 tuổi ở Đức Phổ, mẹ nghèo, sinh Phương ra không có cha, lây lắt mà sống, lập gia đình có 2 con, bỗng mẹ và anh trai phát bệnh hiểm nghèo nằm liệt nhiều năm, chồng sợ quá bỏ chạy mất dép…

Không thể tá túc ở lồng chợ được nữa, địa phương tạm đưa về nhà kho của HTX….Bơi trong bể khổ.

Tùy gia cảnh, Khát Vọng Sống với đại diện của các đội nhóm – NHT, như CLB Hương Từ Tâm (Bình Phước), nhóm Trương Thu Hà (Đồng Tháp), nhóm Xuân Trần (Ninh Thuận), chị Hương Giang (Quận 9) và cán bộ Ủy Ban Mặt Trận các cấp (tỉnh/huyện/xã) đã trao tặng từ 3 triệu đến 50,2 triệu/gia đình, kèm theo những giải pháp trợ giúp nối tiếp

Tổng tiền trao tặng của đợt 2 là: 591.500.000 đồng

  • Trợ giúp cho 37 gia đình ở Quảng Ngãi: 395,3 triệu.
  • Trợ giúp cho 27 gia đình ở Quảng Nam: 196,2 triệu.

Nguồn ủng hộ cho đợt 2 là 343.415.200 đồng.

Như vậy THIẾU 248.084.800 đồng (Số thiếu này lấy từ nguồn ủng hộ của đợt 1 kết dư.)

Bình luận